Liên hệ trực tuyến
Hotline :
Quảng cáo
Liên kết website
Quan trắc môi trường TKV 2011
(02-01-2012)

Với mục đích kiểm soát sự biến đổi môi trường do các hoạt động sản xuất kinh doanh than và khoáng sản gây ra; mạng lưới quan trắc môi trường được xây dựng trên cơ sở chú trọng đến môi trường xung quanh vùng bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác than và khoáng sản, đặc biệt chú trọng đến khu du lịch, khu di tích và dân cư lân cận các đơn vị chế biến và tiêu thụ (không đi sâu vào trong khai trường khai thác và chế biến than – khoáng sản của các đơn vị cụ thể, không quan trắc môi trường nước thải. Môi trường không khí và nước thải trong ranh giới mỏ nào sẽ trực tiếp do mỏ đó quan trắc và chịu trách nhiệm)...


Hàng năm mạng lưới quan trắc môi trường đều được xác lập lại và có sự điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường của Tập đoàn.

Mục tiêu:

- Đo đạc, phân tích các chỉ tiêu môi trường tại các khu vực chịu ảnh hưởng từ hoạt động khai thác, chế biến than, khoáng sản (khu di tích, du lịch, dân cư lân cận).

- Đề xuất biện pháp giảm thiểu, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

- Bổ sung nguồn số liệu phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường TKV.

Đối tượng quan trắc:

Đối tượng quan trắc là các yếu tố môi trường tại các khu vực chịu ảnh hưởng từ quá trình khai thác, chế biến và tiêu thụ than-khoáng sản, các điểm thuộc các khu vực sản xuất và phụ trợ.

Các yếu tố quan trắc bao gồm: môi trường không khí, môi trường nước (nước mặt, nước biển ven bờ, nước ngầm).

Phạm vi quan trắc:

Phạm vi thực hiện quan trắc môi trường năm 2011 là các vùng thuộc lãnh thổ Việt Nam có các đơn vị sản xuất Than-Khoáng sản của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, gồm:

+ Quảng Ninh: Các đơn vị khai thác than tại Quảng Ninh

+ Thái Nguyên: mỏ than Núi Hồng, Khánh Hòa và các đơn vị thuộc Tổng Công ty Khoáng sản – Vinacomin

+ Lạng Sơn: mỏ than Na Dương

+ Quảng Nam: Công ty CP Than – Điện Nông Sơn

+ Lào Cai: mỏ Đồng Sin Quyền và Công ty Luyện đồng Lào Cai

+ Thanh Hóa: Mỏ Cromit Cổ Định

+ Tuyên Quang: mỏ Mangan Phiên Lang

+ Cao Bằng: XN Sắt Nà Lũng, XN Thiếc Tĩnh Túc

+ Bắc Kạn: XN Kẽm Chợ Điền

Mạng lưới các điểm quan trắc:

Mạng lưới các điểm quan trắc được phân loại theo các đối tượng môi trường cần quan trắc: môi trường không khí, môi trường nước (nước mặt, nước biển ven bờ, nước ngầm).

Do yêu cầu của Ban Môi trường, năm 2011 mạng lưới các điểm quan trắc môi trường TKV được bổ sung thêm một số điểm thuộc các đơn vị khai thác khoáng sản của Tổng Công ty Khoáng sản – Vinacomin.

Mạng lưới quan trắc môi trường không khí

Bảng 1: Mạng lưới điểm QTMT không khí TKV năm 2011

TT Vùng quan trắc Số lượng điểm quan trắc
1 Đông Triều-Uông Bí 20
2 Hòn Gai 11
3 Cẩm Phả 15
4 Thái Nguyên (Khánh Hòa, Núi Hồng) 5
5 Lạng Sơn 3
6 Quảng Nam – Nông Sơn 3
7 Các đơn vị thuộc Tổng công ty khoáng sản – Vinacomin 19
  Tổng cộng 67

Mạng lưới quan trắc môi trường nước mặt

Mạng lưới các điểm quan trắc môi trường nước mặt TKV năm 2011 bao gồm các điểm lấy mẫu nước trên các hệ thống sông, suối chảy qua ranh giới mỏ (bao gồm cả ranh giới các khu chế biến, nhà máy sàng tuyển v.v… thuộc TKV). Các điểm quan trắc có vị trí tại nơi bắt đầu chảy vào ranh giới mỏ, trong ranh giới mỏ, các điểm chảy ra khỏi ranh giới mỏ và các điểm chảy vào các ao hồ.

Bảng 2: Mạng lưới điểm QTMT nước mặt TKV năm 2011

TT Vùng quan trắc Số lượng điểm quan trắc
1 Đông Triều-Uông Bí 22
2 Hòn Gai 21
3 Cẩm Phả 19
4 Thái Nguyên (Khánh Hòa, Núi Hồng) 18
5 Lạng Sơn 7
6 Quảng Nam – Nông Sơn 6
7 Các đơn vị thuộc Tổng công ty khoáng sản – Vinacomin 39
  Tổng cộng 115

Mạng lưới quan trắc môi trường nước biển ven bờ

Mạng lưới các điểm quan trắc môi trường nước biển ven bờ bao gồm các điểm lấy mẫu nước tại các điểm ven bờ biển nơi có các bãi chế biến, cảng biển tiêu thụ than và các nhà máy tuyển nằm gần biển vùng Hòn Gai và vùng Cẩm Phả thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Bảng 3: Mạng lưới điểm QTMT nước biển ven bờ TKV năm 2011

TT Vùng quan trắc Số lượng điểm quan trắc
1 Hòn Gai 2
2 Cẩm Phả 5
  Tổng cộng 5

Mạng lưới quan trắc môi trường nước ngầm

Hoạt động khai thác có thể ảnh hưởng đến chất lượng và mức nước ngầm trong khu vực, qua đó ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân sử dụng nguồn nước đó. Vì vậy, để đánh giá mức độ của các tác động này, tiến hành lấy mẫu nước tại các giếng nước của các hộ gia đình sinh sống trong khu vực.

Bảng 4: Mạng lưới điểm QTMT nước ngầm TKV năm 2011

TT Vùng quan trắc Số lượng điểm quan trắc
1 Đông Triều – Uông Bí 5
2 Hòn Gai 3
3 Cẩm Phả 4
4 Thái Nguyên (Khánh Hòa, Núi Hồng) 3
5 Lạng Sơn 1
6 Quảng Nam – Nông Sơn 1
7 Các đơn vị thuộc Tổng công ty khoáng sản – Vinacomin 18
  Tổng cộng 23

Ghi chú: Vị trí các điểm QTMT không khí và nước từng khu vực quan trắc xem bảng phụ lục đính kèm.

Môi trường không khí

Các chỉ tiêu quan trắc môi trường không khí – tiếng ồn bao gồm: điều kiện vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió), hàm lượng bụi lơ lửng, hàm lượng bụi silic, độ ồn và hàm lượng các loại khí: SO2, NO2, H2S, CO2, CO.

Môi trường nước

Nước mặt:

Các chỉ tiêu quan trắc môi trường nước mặt bao gồm: pH, hàm lượng cặn lơ lửng, tổng cặn, hàm lượng oxy hoà tan, hàm lượng BOD5, COD, hàm lượng các kim loại (Fetp, Pb, Cd, As, Hg, Cu, Cr, Mn), hàm lượng NH3, NO¬2-, NO3-, hàm lượng Coliform, hàm lượng dầu mỡ khoáng, hàm lượng sunfua.

Nước biển ven bờ:

Các chỉ tiêu quan trắc môi trường nước biển ven bờ bao gồm: Nhiệt độ, pH, hàm lượng cặn lơ lửng, tổng cặn, hàm lượng oxy hoà tan, hàm lượng BOD5, hàm lượng các kim loại (Fetp, Mn, Pb, Cd, As, Hg, Cu, Cr), hàm lượng NH3, hàm lượng Coliform, hàm lượng dầu mỡ khoáng, hàm lượng sunfua, hàm lượng Cl-

Nước ngầm:

Các chỉ tiêu quan trắc môi trường nước sinh hoạt bao gồm: pH, độ đục, độ cứng tổng số tính theo hàm lượng CaCO3, hàm lượng các kim loại (Fetp, Mn, Pb, Cd, As, Hg, Cu, Cr, Ni), hàm lượng NH3, NO¬2-, NO3-, hàm lượng Coliform, hàm lượng sunfua.

Trên cơ sở các kết quả quan trắc môi trường tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm, cùng với các đánh giá trong quá trình khảo sát thực địa, các kết quả được tổng hợp, xử lý và đưa ra dưới dạng bảng, biểu đồ và bản đồ. Từ đó, đưa ra các kết luận về hiện trạng môi trường khu vực, đánh giá mức độ các tác động của hoạt động khai thác đối với môi trường xung quanh, phát hiện các sự cố, dự báo các rủi ro môi trường và đưa ra các biện pháp khắc phục thích hợp.

Các bài viết khác:
» TRUNG TÂM QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TẬP ĐOÀN TKV
» Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam: Quản lý, sử dụng vốn an toàn, hiệu quả cho các dự án bảo vệ môi trường
» Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình xử lý chất thải rắn
Moi quang cao
Moi quang cao