Liên hệ trực tuyến
Hotline :
Quảng cáo
Liên kết website
PHÁT TRIỂN CNTT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH THAN
(02-01-2012)

Trong những năm qua, việc phát triển công nghệ thông tin chủ yếu tập trung vào phần cứng và các ứng dụng trong công tác văn phòng và kế toán, việc ứng dụng tin học trong chuyên ngành kỹ thuật (khai thác, địa chất trắc địa, điện, tuyển khoáng...) còn rất yếu và hầu như chưa có. Những năm sắp tới nhu cầu than sẽ được tăng theo từng năm, kéo theo điều kiện khai thác sẽ ngày càng khó khăn hơn nên việc ứng dụng CNTT trong chuyên ngành là bắt buộc. Việc ứng dụng CNTT trong chuyên ngành sẽ giúp các cán bộ kỹ thuật trong việc tính toán nhanh chóng, chính xác hơn và tối ưu hóa các phương án công nghệ. Tuy nhiên, do trình độ CNTT của các cán bộ chưa cao nên việc ứng dụng CNTT trong chuyên ngành trong 1-2 năm tới không nhiều. Dự báo trong các năm từ 2005-2010, nhu cầu ứng dụng CNTT trong địa chất – trắc địa, thiết kế sẽ được tăng nhanh.



- Các yêu cầu phát triển của công nghiệp than trong các giai đoạn tiếp theo đòi hỏi sự đáp ứng đồng bộ và hiệu quả trên các lĩnh vực khai thác, chế biến và kinh doanh than. Khó có thể so sánh về tầm quan trọng giữa các lĩnh vực này và cũng không thể tách riêng sự phát triển của từng lĩnh vực ra khỏi hoạt động sản xuất chung của ngành than. Trong từng lĩnh vực cụ thể đều có nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT mặc dù có những đặc trưng riêng khác nhau. Độ sâu khai thác của các mỏ than (lộ thiên và hầm lò) xuống sâu hơn đòi hỏi công tác nghiên cứu thăm dò địa chất phải xử lý nhiều thông tin hơn, và sử dụng các công nghệ khai thác mới để giải quyết các công việc khó khăn phức tạp hơn và đặc biệt là các biện pháp an toàn phải được bảo đảm chặt chẽ hơn. Chất lượng than thành phẩm cung cấp cho khách hàng trong và ngoài nước ngày càng đòi hỏi phải nâng cao về chất lượng và đa dạng hơn về chủng loại yêu cầu các công nghệ chế biến, tuyển than phải cao cấp hơn. Sản lượng than gia tăng với khối lượng lớn cùng với các mối quan hệ kinh doanh với khách hàng nội địa và quốc tế không ngừng phát triển và đòi hỏi phải xử lý nhanh chỉ có thể đáp ứng được khi áp dụng các phương thức quản lý hiện đại và không thể thiếu sự hỗ trợ của CNTT. Mặt khác cần phải có những biện pháp và công cụ hiện đại trong công tác quản lý để giảm các chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, một yếu tố quyết định trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh. Những đặc điểm chung đó cần phải được chuyển thành những nhiệm vụ cụ thể:


- Đổi mới phương pháp cập nhật và xử lý thông tin trên cơ sở ứng dụng thành tựu mới nhất của CNTT trợ giúp cho quá trình ra quyết định quản lý và điều hành SXKD một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất. Cùng với đó là nhiệm vụ quảng bá thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp trên Internet để hội nhập và giao lưu thương mại quốc tế. Thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với đối tác trên nền thương mại điện tử. Hệ thống mạng CNTT thực sự là một công cụ tốt để phát huy tối đa năng lực khoa học công nghệ trong ngành cũng như giúp khai thác hiệu qủa nguồn lực hợp tác bên ngoài nhằm nâng cao tri thức khoa học công nghệ, đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, cải tiến công nghệ ngoại nhập tiến tới tạo ra được những công nghệ đặc thù Việt Nam

- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào mọi mặt hoạt động SXKD của Tập đoàn TKV: hệ thống thông tin liên lạc trong mỏ hầm lò, lộ thiên, vận tải đường sắt, cảng xuất than. Nghiên cứu, nắm bắt và làm chủ các hệ thống điều khiển tiên tiến thế hệ mới (như DCS, SCADA) của các nhà máy điện, xi măng, tuyển than...Triển khai các công trình, dự án Tự động hóa trong các nhà máy cơ khí của ngành than (cơ khí lắp ráp, chế tạo, sửa chữa), ứng dụng công nghệ máy công cụ kỹ thuật số (CNC) trong gia công cơ khí nhằm tạo ra các sản phẩm chính xác cao, giá thành rẻ và thời gian sản xuất nhanh đáp ứng tốt những yêu cầu cao của công nghệ hiện đại. Thực chất đây là sự gắn kết giữa CNTT và Tự động hóa là một trong những chủ trương đã và đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và khuyến khích phát triển. Các hiệu quả rõ rệt về kinh tế và xã hội của chủ trương này đã thể hiện qua những thành tựu của CNTT trong các hoạt động sản xuất công nghiệp và là sự khẳng định cho các định hướng ứng dụng và phát triển CNTT tiếp theo trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Vai trò của CNTT càng trở nên nổi bật với nhu cầu phát triển các phần mềm điều khiển mà hiện nay các nhà máy trong ngành than đang rất cần cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới phù hợp với hướng phát triển công nghiệp của đất nước và hội nhập quốc tế. Sự gắn kết giữa CNTT và Tự động hóa càng tạo điều kiện phát huy nội lực trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, bổ sung khắc phục được những hạn chế về tri thức cho đội ngũ những người làm việc trong các chuyên ngành hẹp đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp phần cứng về điện tử, máy tính dần thay thế cho các sản phẩm công nghiệp nhập ngoại. Việc thúc đẩy ứng dụng CNTT vào trong các hệ thống sản xuất công nghiệp đã đưa đến một kết quả rất tốt đẹp và đã làm chuyển biến về bản chất từ môi trường làm việc mang tính nặng nề, kém linh hoạt, kém tin cậy sang cách làm việc gần gũi thân thiện với các hoạt động của con người qua các máy tính, xoá đi ranh giới giữa các môi trường làm việc từ nhà máy, xí nghiệp đến văn phòng và gia đình.

- Triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực kiểm soát và điều hành tập trung công tác vận tải mỏ (dispatching), cụ thể là công nghệ định vị vệ tinh GPS kết hợp với xử lý thông tin cơ sở dữ liệu để tối ưu hóa năng suất và hiệu quả vận tải.

- Cùng với nhiệm vụ đảm bảo và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thì ngành than còn phải đáp ứng và khắc phục các yếu tố môi trường để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Các sức ép về năng suất, sản lượng khai thác và yêu cầu giảm thiểu ảnh hưởng, tác động đến môi trường đòi hỏi phải sử dụng các công nghệ và thiết bị mới kèm theo đó là các chủ trương, giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề bức thiết này. Lĩnh vực nghiên cứu, đánh giá tác động và xử lý môi trường trong quá trình khai thác và chế biến than đã và đang được chú trọng ở mức độ cao và đã có được sự đầu tư thích đáng. Các thiết bị quan trắc, phân tích và các công cụ đánh giá tác động môi trường thế hệ mới được trang bị các chip vi xử lý (microprocessor) có khả năng đo đạc, phân tích và xử lý số liệu tại chỗ. Đồng thời các thiết bị còn có khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu tương thích với các hệ máy tính, cơ sở dữ liệu. Trong tương lai các hệ thống quan trắc, phân tích tự động được ứng dụng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các thao tác của con người và có khả năng cung cấp số liệu nhanh chóng, chính xác, tin cậy. Các hệ thống xử lý nước thải, khí thải trong công nghệ khai thác, chế biến than cũng cần được trang bị các hệ thống thiết bị mang tính tự động hoá cao hoạt động cùng với các phần mềm điều khiển nhằm đem lại hiệu quả tích cực cho môi trường sản xuất. Các giai đoạn từ trước đến nay trong lĩnh vực này các sản phẩm của nước ngoài chiếm ưu thế rất lớn về trình độ công nghệ tuy nhiên giá thành còn rất cao nên triển khai ứng dụng rộng rãi trong ngành còn gặp khó khăn. Nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, nắm bắt để tiến tới làm chủ và phát triển công nghệ sẽ là rất cần thiết và như là một bước chuẩn bị tốt để tự thiết kế và triển khai các hệ thống kỹ thuật môi trường trong ngành than. Với các nhu cầu luôn có xu hướng gia tăng về kỹ thuật nghiên cứu, phân tích đánh giá và xử lý môi trường sẽ là một thách thức nhưng cũng mở ra một tương lai hứa hẹn cho việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực này.

- Sự an toàn cho người lao động luôn là một yếu tố được quan tâm hàng đầu, đặc biệt trong các mỏ than, nơi mà các điều kiện làm việc có nhiều yếu tố khắc nghiệt và luôn có nguy cơ rủi ro cao. Mặc dù đã có nhiều phương tiện thiết bị hỗ trợ an toàn lao động trong các mỏ than nhưng các nguy cơ mất an toàn vẫn luôn có khả năng xảy ra (và thực tế cũng đã xảy ra) nên không thể xem nhẹ công tác an toàn trong điều kiện lao động sản xuất tại các mỏ than và việc nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp các thiết bị an toàn vẫn luôn luôn cần thiết và cần không ngừng hoàn thiện hơn nữa. Các dự án nghiên cứu trong công tác quản lý, giám sát khí mỏ (khí cháy, nổ, khí độc) phục vụ công tác an toàn lao động có sự hỗ trợ ứng dụng CNTT đã bước đầu có hiệu quả tốt và cần phải được tiếp tục phát triển, nhân rộng. Triển khai nghiên cứu các công trình mang tính định hướng, dự báo (quan trắc dịch động mỏ, địa chấn…) để hỗ trợ tối đa về an toàn cho người lao động cũng như các cơ sở vật chất của mỏ. Những công trình này đặc biệt phù hợp trong điều kiện sản xuất hiện đại và có nhiều thuận lợi để phát triển trong giai đoạn hiện nay khi có các thiết bị đo đạc tiên tiến, các máy tính và hệ cơ sở dữ liệu mạnh cùng với kỹ thuật thông tin vệ tinh và tất yếu phải dựa trên cơ sở sự phát triển tri thức con người.

- Nghiên cứu tạo tiền đề để chế tạo các mạch điện tử sử dụng trong các thiết bị chuyên ngành của công nghệ mỏ và các ngành kinh tế khác.

- Những hiệu quả do ứng dụng CNTT đem lại chỉ có thể đạt được khi đội ngũ lao động có được những kỹ năng thuần thục về CNTT để có thể tiếp cận, phát triển ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực nghiệp vụ mang tính đặc trưng riêng. Tuỳ theo từng cấp độ và hoàn cảnh khác nhau mà khả năng hoạt động CNTT trong đội ngũ lao động có thể ứng dụng vào nhiều mục đích công việc khác nhau và điều quan trọng là làm sao có được sự phổ cập về những kiến thức CNTT trong đội ngũ đông đảo những người lao động toàn ngành than. Trong một môi trường lao động hiện đại không thể thiếu đội ngũ những người thợ được trang bị tốt những kiến thức về CNTT và đây có thể được coi là một nền tảng để đảm bảo cho ứng dụng và phát triển thành công CNTT trong sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn TKV. Đặc điểm này hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay ở tầm quy mô lớn hơn, khi xu hướng Chính phủ điện tử đang dần hình thành, Đảng và Nhà nước định hướng và cần có các ‘công dân điện tử’ trước khi mô hình Chính phủ điện tử có thể được ứng dụng thành công. Sự minh họa này đã cho thấy tầm quan trọng về yêu cầu trang bị kiến thức CNTT trong đội ngũ nhân lực của toàn ngành than. Mục tiêu này đã được cụ thể hoá bằng các hoạt động giáo dục truyền thông, đào tạo CNTT trong ngành phổ biến rộng ở cấp Tập đoàn TKV. Các đơn vị chuyên trách về tư vấn, đào tạo, nghiên cứu chuyển giao kiến thức về CNTT trong Tập đoàn TKV ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động và phát huy hiệu quả. Đối tượng tham gia học tập nghiên cứu ứng dụng CNTT không chỉ giới hạn hẹp ở các vị trí lãnh đạo mà cần triển khai rộng cho đội ngũ đông đảo người lao động. Nhiệm vụ của công tác đào tạo và phát triển nhân lực CNTT trong giai đoạn mới phải nắm bắt và theo kịp tốc độ phát triển công nghệ trên thế giới, có được sự đầu tư thích đáng để trở thành một trong những mũi nhọn của ngành và làm tốt vai trò tham mưu lãnh đạo để đưa ngành than phát triển theo đúng định hướng của Tập đoàn TKV.

DỰ BÁO NHU CẦU THỊ TRƯỜNG CNTT TRONG TẬP ĐOÀN TKV

Nhu cầu phần cứng (thiết bị)

Đầu tư vào công nghệ thông tin trong toàn Tập đoàn TKV còn ở mức rất hạn chế. Chính vì vậy, trong những năm sắp tới để tiến tới hội nhập được việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh là bắt buộc. Nhu cầu đầu tư về phần cứng vẫn còn rất lớn, tuy nhiên các thiết bị mới sẽ được tập trung vào các chuyên ngành kỹ thuật và tự động hóa nhiều hơn.

Nhu cầu phần mềm

Hiện tại, việc ứng dụng công nghệ thông tin hầu như chưa có, nếu có đều phát triển theo mô hình tự phát vì vậy chi phí cao và không đồng bộ trong toàn ngành, theo nhu cầu phát triển dự báo trong thời gian tới các phần mềm ứng dụng sẽ được nhanh chóng triển khai và áp dụng trong toàn bộ các đơn vị trong ngành, tuy nhiên do trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành còn yếu vì vậy việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn. Để việc phát triển được nhanh, tiết kiệm và đồng bộ Tập đoàn TKV cần có các định hướng và điều chỉnh kịp thời.

Nhu cầu phát triển và khai thác mạng thông tin

Trong nền kinh tế thị trường, việc cập nhật nhanh và chính xác các thông tin là rất quan trọng với doanh nghiệp, nó càng quan trọng với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Việc phát triển và khai thác các mạng thông tin máy tính trong doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất mạnh mẽ. Tất cả các doanh nghiệp sẽ phảI từng bước xây dựng mạng thông tin riêng và kết nối với các mạng khác và cả với mạng INTERNET

Nhu cầu các ứng dụng chuyên ngành

Trong những năm qua, việc phát triển công nghệ thông tin chủ yếu tập trung vào phần cứng và các ứng dụng trong công tác văn phòng và kế toán, việc ứng dụng tin học trong chuyên ngành kỹ thuật (khai thác, địa chất trắc địa, điện, tuyển khoáng...) còn rất yếu và hầu như chưa có. Những năm sắp tới nhu cầu than sẽ được tăng theo từng năm, kéo theo điều kiện khai thác sẽ ngày càng khó khăn hơn nên việc ứng dụng CNTT trong chuyên ngành là bắt buộc. Việc ứng dụng CNTT trong chuyên ngành sẽ giúp các cán bộ kỹ thuật trong việc tính toán nhanh chóng, chính xác hơn và tối ưu hóa các phương án công nghệ. Tuy nhiên, do trình độ CNTT của các cán bộ chưa cao nên việc ứng dụng CNTT trong chuyên ngành trong 1-2 năm tới không nhiều. Dự báo trong các năm từ 2005-2010, nhu cầu ứng dụng CNTT trong địa chất – trắc địa, thiết kế sẽ được tăng nhanh.
Moi quang cao
Moi quang cao