PV: Đề nghị đồng chí khái quát sự phát triển KT- XH của TP. Cẩm Phả trong những năm gần đây?
Đồng chí Nguyễn Trọng Minh (N.T.M): Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Cẩm Phả đạt khá cao; năm 2008 - 2010, tăng trưởng 13,85% và năm 2011 tăng 14,1%.Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.684 USD, năm 2011 đạt trên 2.300 USD, bằng 1,5 lần so với toàn quốc. Nhịp độ phát triển công nghiệp bình quân tăng 19,1%/năm. Trên địa bàn Thành phố hiện có 900 doanh nghiệp Trung ương, địa phương và 10.752 hộ kinh doanh thương mại và dịch vụ. Ngoài than, trên địa bàn còn nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp khác như 4 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 3.000 MWh (nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2 đã phát điện công suất 680MWh); xi măng, sản lượng 2,3 triệu tấn/năm; gạch tuynen, 13 triệu viên/năm; nhà máy sản xuất bia rượu, nước giải khát với 3 triệu lít/năm, sản xuất nước khoáng 45 triệu lít/năm. Ngành thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển về quy mô, với tổng doanh số hàng hóa bán ra và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn năm qua đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2010. Sản xuất nông - lâm - thủy sản có mức tăng trưởng khá, với tổng giá trị sản xuất đạt 95,45 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm trước đó. Cân đối thu chi ngân sách hàng năm đều có kết dư. Năm 2011, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 10.674 tỷ đồng; Thu ngân sách Thành phố đạt trên 751 tỷ đồng; Chi ngân sách Thành phố đạt trên 573 tỷ đồng.
Từ khi được công nhận là đô thị loại III (2005) đến nay, tổng mức đầu tư xã hội trên địa bàn khoảng 40.300 tỷ để chỉnh trang đô thị hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội và phúc lợi công cộng; trường học, nhà ở, trụ sở làm việc... Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn 0,84%; hàng năm tạo việc làm cho 5.000 lao động; tỷ lệ học sinh lên lớp đạt từ 93-99%; 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn; 95% trường học được cao tầng hoá, 50% số trường đạt chuẩn quốc gia; 100% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Ảnh: Dương Phượng Đại
PV: Đồng chí có thể đánh giá vai trò của các đơn vị trong Tập đoàn Vinacomin, góp phần phát triển KT - XH của địa phương và một vài ghi nhận về mối quan hệ tốt đẹp giữa địa phương với các đơn vị của Tập đoàn Vinacomin hoạt động trên địa bàn?
Đồng chí N.T.M: Trên địa bàn TP hiện có 23 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh than thuộc Tập đoàn Vinacomin. Sản lượng than sạch trên địa bàn năm 2011 đạt 25 triệu tấn, chiếm 60% sản lượng toàn Tập đoàn.
Sự phối hợp giữa TP. với các đơn vị thuộc Vinacomin trên địa bàn chặt chẽ và hiệu quả. Ngày 20/9/2011 UBND Thành phố đã ban hành Quy chế phối hợp với các đơn vị thuộc Tập đoàn Vinacomin và triển khai thực hiện với 9 nội dung.
Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp, đã cơ bản kiểm soát được tình hình khai thác vận chuyển, kinh doanh, chế biến tiêu thụ than trên địa bàn. Chỉ tính trong năm 2011, các lực lượng chức năng của TP (Công an Thành phố làm nòng cốt) đã tích cực phối hợp, kiểm tra bắt giữ, xử lý các vi phạm về khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép, tổng số 239 vụ, 273 trường hợp vi phạm; thu giữ: 6.656 tấn than các loại, tịch thu phát mại 4,1 tỷ đồng. Phạt hành chính 270 đối tượng với số tiền trên 1 tỷ đồng. Lập hồ sơ truy tố 1 vụ, 6 đối tượng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Các công tác khác như quy hoạch đô thị, giải phóng mặt bằng các khai trường sản xuất, văn hoá - xã hội đều có sự phối hợp chặt chẽ; tình hình an ninh trật tự của các đơn vị trên địa bàn cơ bản được đảm bảo, góp phần vào việc ổn định và tăng trưởng kinh tế của các đơn vị cũng như của địa phương.
Năm qua, UBND Thành phố đã thoả thuận quy hoạch xây dựng các dự án do các doanh nghiệp thành viên thuộc Vinacomin làm chủ đầu tư, cụ thể về địa điểm xin xây dựng 5 Dự án; về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng 32 Dự án.
Các hoạt động xã hội - từ thiện do TP phát động được các đơn vị của Tập đoàn hưởng ứng tích cực. Năm qua, 22 đơn vị ngành Than trên địa bàn ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Thành phố với tổng số tiền 245,4 triệu đồng; vận động 16 đơn vị tham gia ủng hội Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố với tổng số tiền 67 triệu đồng; Chương trình nghĩa tình Vùng than chung tay góp sức Vì người nghèo đã vận động được 19 đơn vị tham gia với tổng số tiền 220 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp ngành Than đã quan tâm hỗ trợ các trường về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hiến đất để mở rộng các trường học. Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vinacomin đã tích cực đảm nhận các công trình chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố như: Công ty Cổ phần than Cọc Sáu, Công ty Cổ phần than Cao Sơn, Công ty Cổ phần than Mông Dương, Công ty Khai thác Khoáng sản - Tổng công ty Đông Bắc với tổng mức đầu tư trên 70 tỷ đồng.
Trong công tác bảo vệ môi trường, Thành phố đã phối hợp với các đơn vị ngành Than xử lý nước thải, cấp nước sạch; cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải, khai trường; cải tạo, xây dựng các tuyến đường vận chuyển chuyên dụng; nạo vét, cải tạo hệ thống thoát nước. Năm 2011 đã triển khai 17 dự án công trình.
Hàng năm, Thành phố thường xuyên phối hợp với các đơn vị ngành Than tổ chức Lễ ra quân huấn luyện, làm tốt công tác tuyển quân, giao quân đủ chỉ tiêu đảm bảo chất lượng, trong đó có nhiều đồng chí là công nhân ngành Than; phối hợp với các đơn vị ngành Than đăng ký, quản lý trên 2.000 quân nhân dự bị; biên chế vào các đơn vị dự bị động viên trên 2.000 đồng chí; đăng ký trên 2.800 phương tiện các loại (ôtô và tàu thuyền); đăng ký trên 800 công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; Tổ chức diễn tập chiến đấu - trị an cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Vinacomin và phối hợp thực hiện tốt việc lập kế hoạch PCTT&TKCN hàng năm; tổ chức diễn tập PCTT và TKCN cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Vinacomin.
PV: Môi trường của TP hiện nay ra sao, thưa đồng chí? Đề nghị đồng chí cho biết những nỗ lực của ngành Than và địa phương trong việc đầu tư nhằm giảm thiểu tác động của môi trường?
Đồng chí N.T.M: Thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển lên thành phố công nghiệp, cảng biển là vấn đề môi trường sẽ bị tác động nghiêm trọng (nhất là ô nhiễm môi trường về bụi, nước thải trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển than; sản xuất xi măng; sản xuất nhiệt điện). Địa hình Thành phố dốc từ phía Bắc xuống phía Nam chịu ảnh hưởng mưa lũ kèm theo đất đá thải gây bồi lắng gây tắc cục bộ trong hệ thống kênh mương, cống thoát nước trong đô thị.
Những năm qua, các doanh nghiệp của Tập đoàn Vinacomin đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng gần 60 dự án, công trình với tổng số vốn khoảng 1.000 tỷ đồng nhằm khắc phục, xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác than gây ra trên địa bàn Thành phố Cẩm Phả, gồm các công trình: xử lý nước thải mỏ, xây dựng hệ thống phun nước dập bụi, cấp nước sạch; cải tạo, phục hồi các bãi thải, khai trường kết thúc khai thác; nạo vét xây kè hệ thống thoát nước, đập chắn đất đá bãi thải; cải tạo, xây dựng các tuyến đường vận chuyển chuyên dùng và đầu tư các công trình bảo vệ môi trường khác. Các công trình trên đã góp phần nâng cao chất lượng môi trường cùng như đời sống của nhân dân trên địa bàn Thành phố Cẩm Phả.
PV: Thưa đồng chí, tiềm năng lớn nhất của Cẩm Phả là gì? Cơ cấu kinh tế và chiến lược thu hút đầu tư phát triển của Cẩm Phả ra sao để khai thác những tiềm năng của Cẩm Phả?
Đồng chí N.T. M: Tiềm năng lớn nhất của Cẩm Phả để phát triển kinh tế - xã hội là công nghiệp than, nhiệt điện, vật liệu xây dựng, chế tạo thiết bị điện, công nghiệp cảng biển, đóng tàu, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ… Ngoài ra, Cẩm Phả còn có tiềm năng về du lịch, với Vịnh Bái Tử Long; có nguồn nước khoáng nóng quý hiếm để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh, có khu du tích lịch sử - văn hóa Đền Cửa Ông cấp quốc gia, khu Vũng Đục để phát triển du lịch tâm linh v.v.
Với những tiềm năng đó, Cẩm Phả xác định cơ cấu kinh tế là: Công nghiệp -Xây dựng chiếm 73,5%; Thương mại - Dịch vụ chiếm 25,1%; Nông - Lâm - Thủy sản chiếm 1,4%, trong đó, chủ yếu là công nghiệp khai thác Than. Để khai thác các tiềm năng đó, bên cạnh phát huy các nguồn lực của địa phương, Cẩm Phả còn xây dựng chiến lược quan trọng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Trong thời gian tới, Thành phố Cẩm Phả tiếp tục tiếp tục chỉnh trang đô thị, tập trung điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác bảo vệ môi trường v.v.. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền đô thị mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, phát triển của thành phố. Cụ thể, từ nay đến năm 2015, Thành phố huy động mọi nguồn lực, tiếp tục đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật gồm nâng cấp các hệ thống: giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc; triển khai thực hiện các dự án cải tạo, hoàn nguyên xử lý môi trường, công viên cây xanh. Đầu tư xây dựng mới nhà truyền thống, thư viện, đài phát thanh - truyền hình thành phố; đầu tư giai đoạn II cho 02 bệnh viện đa khoa Thành phố; nâng cấp các trạm y tế phường, xã còn lại; Đầu tư xây dựng các Trung tâm thương mại - dịch vụ, khách sạn. Đến năm 2015, 80% các trường học đạt chuẩn Quốc gia...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này. Xin chúc Thành phố Cẩm Phả thành công với những khát vọng của mình.