Vùng đất nuôi dưỡng những tâm hồn
Tôi may mắn được ngồi uống café với các văn nghệ sỹ Cẩm Phả tại quán bar ở tầng 5 thuộc tòa nhà 7 tầng bề thế đối diện vườn hoa Thanh Niên tuyệt đẹp. Câu chuyện của họ nhắc về những nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, ca sỹ nổi tiếng. Tác phẩm của họ tôi đã đọc từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng thật bất ngờ, qua câu chuyện tôi mới biết, những văn nghệ sỹ nổi tiếng ấy, người còn, người mất, nhưng đều là thợ mỏ vùng Cẩm Phả. Chẳng hạn như Nhà văn Võ Huy Tâm, với tác phẩm Vùng Mỏ, nguyên là thợ lò Mỏ than Thống Nhất; nhà văn Tô Ngọc Hiến, nguyên là công nhân Nhà máy Cơ khí ô tô Cẩm Phả, là Ngô Xuân Hội, nguyên công nhân Mỏ Thống Nhất, là Họa sỹ Ngô Phương Cúc, công nhân Nhà máy Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả (nay là VMC), VMC còn có Họa sỹ Phạm Phi Châu, nguyên Giám đốc Nhà máy. Nhà thơ Trần Tâm, tác giả bộ tiểu thuyết Đất Bỏng 4 tập gần 1500 trang, bộ tiểu thuyết mang tính sử thi viết về vùng mỏ và thợ mỏ đồ sộ nhất từ trước đến nay, nguyên là công nhân Mỏ than Đèo Nai. Riêng Than Đèo Nai, ngoài Trần Tâm còn có nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng như Nhà văn Hoàng Văn Lương (đã mất), Nhà thơ Trần Ngọc Tảo (đã mất), Nhà văn Hoàng Ngọc Dương, Nhạc sỹ Văn Tích, Họa sỹ Bùi Đình Lan v.v. Mỏ than Cọc Sáu cũng không kém. Đó là các Nhà văn Nguyễn Sơn Hà, Võ Khắc Nghiêm, Vũ Thảo Ngọc, NSND Quang Thọ v.v.
Chợt nhớ, trong chương trình “Con đường âm nhạc” trên VTV3 - Đài Truyền Hình Việt Nam, NSND Quang Thọ nói, đại ý, cuộc sống sôi động của vùng Mỏ, sự động viên, khích lệ, niềm vui của người thợ Mỏ đã chắp cánh cho tiếng hát ông bay cao. ý này cũng na ná như phát biểu của nhiều nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ đất mỏ rằng, cuộc sống sôi động và tình người vùng Than đầy ắp giá trị nhân văn, trong môi trường đó, nếu ai có năng khiếu văn học và niềm say mê sáng tác, người đó sẽ thăng hoa phát tiết để tạo lên những tác phẩm sống động đi sâu vào lòng độc giả.
Nói đến Cẩm Phả, ai cũng biết đó là trung tâm sản xuất than của cả nước. Hiện, Tập đoàn CN Than-Khoáng sản Việt Nam có tới mấy chục doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh than và sản xuất cơ khí, sửa chữa máy mỏ, sản xuất điện v.v.
Nhưng có lẽ, ít người biết tới các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn Cẩm Phả. Đây là thành phần kinh tế cũng khá năng động, phát triển tốt, tạo nhiều việc làm ở khu đô thị và nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp tích cực cho việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.Chúng tôi đã gặp các ông Đào Duy Hảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Cẩm Phả, Giám đốc Công ty CP xây dựng và thương mại Hảo Minh; ông Trần Hòa, Giám đốc Công ty CP Thiên Thuận Tường; Ông Phạm Thạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đông Hà… Lại thật bất ngờ, những ông chủ doanh nghiệp ấy đều từng là thợ mỏ. Mới hay, trên mảnh đất này, dù là nghệ sỹ, là cán bộ cao cấp của Đảng hay những người trồng rau, bán vé số, đều từ hòn than; và những tác phẩm nghệ thuật đến búi lau, cành dâu da đều thấm đẫm hương vị của than.
Vững vàng trong gian khó
Nói đến Cẩm Phả, nhân dân cả nước còn biết, đây là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam; nơi nổ ra cuộc tổng bãi công thắng lợi ngày 12/11/1936 của 3 vạn thợ mỏ làm chấn động dư luận cả nước, giáng đòn sấm sét vào bọn chủ mỏ thực dân Pháp, mở ra phong trào cách mạng đòi quyền dân sinh, dân chủ, tự do, cơm áo, hoà bình, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam.
Giở lại những trang sử của giai cấp công nhân mỏ Việt Nam sẽ thấy, không nơi nào có nhiều tập thể và cá nhân Anh hùng như ở Cẩm Phả. Than Cọc Sáu, Than Đèo Nai, Tuyển Than Cửa Ông, Công ty Địa chất mỏ 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng; các đơn vị khác cũng được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như Than Thống Nhất (Anh hùng LLVT Nhân dân), Than Cao Sơn (Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới), Công ty CN ô tô (Anh hùng LLVT Nhân dân); Công ty Thiết bị điện, Anh hùng Lao động v.v.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cẩm Phả đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là giai cấp công nhân mỏ với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” vượt lên mọi khó khăn, khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực tại chỗ, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, tạo tiền đề quan trọng để Cẩm Phả bứt phá.
Tuy nhiên, đầu thời kỳ đổi mới, nhiều thành phần kinh tế bung ra cũng kéo theo cả mặt trái của nó, giờ vẫn còn dư âm nặng nề trong lòng Cẩm Phả. Ông Nguyễn Hữu Viển, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Bái Tử Long, nguyên Phó chủ tịch UBND Thị Xã Cẩm Phả, đã kể với chúng tôi về giai đoạn mà khắp nơi tụ về đây làm than, thật náo loạn. Các “lò than thổ phỉ" mọc nhan nhản khắp nơi để móc tài nguyên quý giá của đất nước, đem bán rẻ mạt qua bên kia biên giới theo đường tiểu ngạch và xuất lậu. Còn một tai họa khủng khiếp song hành đó là nạn ma túy. Vườn hoa Thanh Niên trước đây được gọi bằng cái tên mỉa mai chua xót: “Công viên các Hoàng tử”. Bởi, nó là trung tâm hút chích của hàng trăm con nghiện mỗi ngày. Phố Đoàn Kết, phố Nguyễn Du và nhiều con phố khác ở Cẩm Phả bấy giờ quá nửa thanh niên bị nghiện. Nhiều gia đình tới mấy thành viên mắc nghiện. Nghĩa địa Đèo Sen, Cẩm Phả dạo ấy trắng toát vòng hoa trắng của đám thanh niên trẻ chết do nghiện.
Nạn khai thác than trái phép và tệ nạn xã hội phát triển tràn lan đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an vùng Mỏ. Trước tình hình đó, Tập đoàn CN Than-Khoáng sản Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương ra quân triệt phá. Nhiều lò “than thổ phỉ” bị đánh sập, nhiều đầu gấu chuyên khống chế “cửu vạn” bị trấn áp. Để triệt phá tệ nạn ma túy, lực lượng công an và tự vệ tăng cường điều tra kết hợp kêu gọi tố giác của dân địa phương, lần lượt xóa bỏ các tụ điểm buôn bán, hút chích. Chính quyền vừa vận động tự nguyện vừa cưỡng chế các đối tượng nghiện đi cai. Danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa” gắn liền tiêu chuẩn thực hiện dừng hoặc đẩy lùi số người nghiện ma túy… Nay thì mùa xuân bình yên và hạnh phúc đã trở về với nơi đây khi mà nạn khai thác than thổ phỉ và ma túy như cái ung nhọt nhức nhối đang khỏi dần.
Khát vọng bay cao, vươn xa
Khám phá Cẩm Phả mới thấy lý thú nhiều điều, thành phố thật hẹp cũng thật dài, nhìn từ trên cao, con đường quốc lộ chạy qua uốn lượn như dải lụa mềm, ngăn giữa một bên là dãy núi các mỏ than mờ mờ huyền ảo, một bên là vịnh Bái Tử Long xanh biếc thơ mộng. Vào bên trong, ngoài những công trình mang dáng dấp hiện đại mới xây, thành phố còn có các công trình độc đáo lâu đời như Rạp chiếu bóng Công nhân Cẩm Phả với những đường mi cửa và phân vị đứng đĩnh đạc; trường Mẫu giáo Hoa Sen do Thụy Điển thiết kế có mái tôn và lan can sắt mảnh mai nhẹ nhõm, nhà thờ Thiên chúa giáo mang phong cách cổ điển châu Âu đầy quy phạm… Người Cẩm Phả tự hào khi nhắc tới các địa chỉ du lịch như vịnh Bái Tử Long, Vũng Đục, Bến Do, suối khoáng nóng Quang Hanh, Đền Cửa Ông…
Theo ông Nguyễn Trọng Minh-Chủ tịch UBND Thành phố thì ngoài tiềm năng về công nghiệp khai thác-chế biến than và du lịch, Cẩm Phả còn nhiều tiềm năng khác để phát triển kinh tế-xã hội như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế tạo thiết bị điện, máy mỏ, công nghiệp cảng biển, đóng tàu, thương mại, dịch vụ, phát triển trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ… Những lợi thế đó đã giúp cho hoạt động kinh tế-xã hội của Thành phố thời gian qua phát triển tốt.
Đã nghe mong ước của rất nhiều người dân nơi đây rằng, Cẩm Phả sẽ thành Thành phố công nghiệp, cảng biển văn minh, hiện đại không chỉ của Quảng Ninh mà còn của cả nước. Với truyền thống Vùng Mỏ bất khuất kiên cường, sức sống và tình người giàu nhân văn, với tiềm năng dồi dào cùng các chiến lược đầu tư, phát triển hợp lý, sẽ thấy khát vọng bay cao, vươn xa đó không phải là viển vông.